Bi kịch thị trường BĐS: Nhà đầu tư đi vay nặng lãi chờ thoát hàng

Thị trường BDDS gặp nhiều khó khăn, thanh khoản kém. Trên thị trường xuất hiện một số trường hợp nhà đầu tư nắm giữ đất nhưng không bán được, vì kẹt tiền mà chấp nhận vay lãi suất cao.

Sau động thái kiểm soát tín dụng từ ngân hàng vào các lĩnh vực rủi ro cao, cộng thêm các vấn đề liên quan đến việc quản lý chặt chẽ trái phiếu thị trường BĐS rơi vào tình trạng đói vốn. Theo đó thanh khoản giảm sút, kéo theo giá BĐS giảm theo, đặc biệt là phân khúc chưa đưa vào nhu cầu thực ngay như đất nền…

Nhiều nhà đầu tư chấp nhận giảm giá từ 20-30%, thậm chí cao hơn vẫn khó tìm được người mua. Kẹt dòng tiền mà nhà đầu tư còn phải chấp nhận vay nợ lãi suất cao để gồng gánh, hi vọng sẽ sớm bán được hàng.

Anh Nguyễn Văn Hà – Nhà đầu tư BĐS cho biết, giữa năm 2021 anh có khoảng 15 tỷ đồng, anh mạnh dạn vay thêm 10 tỷ để mua căn biệt thự rộng 180m2 tại khu vực Hà Đông.

“Thực tế căn biệt thự tôi mua 20 tỷ đồng, hi vọng sẽ kiếm lời. Còn 5 tỷ đồng tôi để lướt sóng đất nền tỉnh. Thời gian đầu việc đầu tư lướt sóng khá thuận lợi do thị trường sôi động. Tôi cũng kịp thành công vài phi vụ lướt sóng, lấy tiền lời đập vào trả tiền gốc và lãi mua căn biệt thự”, anh Hà nói.

Tuy nhiên không được bao lâu thì thị trường BĐS giảm sút, khiến mọi toan tính của anh đổ vỡ. Theo đó không chỉ đang ôm căn biệt thự ở Hà Đông, mà anh còn nắm giữ thêm 2 mảnh đất tại Hưng Yên do gãy sóng.

“Đến nay kinh tế khó khăn, việc kinh doanh của tôi không thuận lợi, trong khi đó hàng tháng vẫn phải nộp đủ tiền trả lãi ngân hàng hơn 200 triệu đồng. Tình cảnh khó tôi đang phải giảm giá cả 3 BĐS đang nắm giữ, hi vọng sớm bán được hàng giảm gánh nặng”, anh Hà nói.

Cùng hoàn cảnh, anh N.V,H đầu tư BĐS tại Hà Nội chia sẻ, đầu năm 2022 anh có 3 tỷ đồng, anh tất tay mua đất nền để đầu tư với hi vọng sẽ kiếm lời. Theo đó mảnh đất anh H sở hữu có diện tích 110m2 tại Sóc Sơn.

Chỉ thời gian ngắn sau khi anh H mua, thị trường BĐS đột ngột rơi vào trầm lắng. Do vậy anh H dù muốn bán đi cũng không tìm được người mua.

“Tôi đã rao bán suốt thời gian dài nhưng không có ai mua. Gia đình lại có việc đột xuất cần số tiền lớn, nếu gửi thế chấp ngân hàng thì chưa biết đến lúc nào mới được giải ngân. Do vậy tôi cũng đành ngậm ngùi thế chấp vay nóng bên ngoài với lãi suất cao, để giải quyết vấn đề trước mắt. Giờ chỉ nhanh chóng bán được đất để nhẹ người”, nhà đầu tư này nói.

Anh N.T.T chủ một phòng giao dịch BĐS tại Hà Nội cho biết, bằng giờ năm trước lúc cao điểm mỗi ngày anh dẫn tới 2-3 khách đi xem đất. Có tháng cao điểm văn phòng của anh ngày nào cũng 4-5 giao dịch dù chỉ có 10 nhân viên.

“Tôi dẫn nhiều nhà đầu tư đi mua đất ở nhiều khu vực thậm chí cả ở tỉnh. Mấy tháng nay nhà đầu tư thường xuyên gọi hỏi về thị trường, họ để lại số điện thoại nhờ tôi tìm khách bán mảnh đất đang nắm giữ. Nhưng quả thật thời điểm này muốn ra hàng là rất khó”, anh T nói.

Vị này cho biết vì áp lực tài chính, một số nhà đầu tư còn liên hệ nhờ anh tìm người thế chấp BĐS đang nắm giữ để vay tiền với lãi suất khá cao.

“Nhà đầu tư thế chấp sổ vào ngân hàng thời điểm này rất khó khăn, nên một số người cần tiền chấp nhận đi vay ngoài với lãi suất cao. Hi vọng có những trường hợp đến thời gian đáo hạn vì không xoay sở được tiền nên liều vay lãi cao để đáo hạn, sau đó chờ đợit cả tháng ngân hàng vẫn chưa giải ngân được nên cũng lâm cảnh ôm nợ mới. Tình trạng này chỉ xuất hiện ở một số ít nhà đầu tư cá biệt đang rất cần tiền”, người này nói.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, thị trường BĐS đang ở giai đoạn khó khăn và đứng trước nguy cơ suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS gặp khó, rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí là mất thanh khoản.

“Một số tập đoàn, doanh nghiệp đói vốn phải vay ngoài xã hội với lãi suất cao, nhiều rủi ro, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm BĐS, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 40% giá trị hợp đồng… tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có rủi ro là sản phẩm hình thành trong tương lai”, ông Châu nói.

Tổng hợp bởi centralresidencesgamuda.com.vn