Nhiều chuyên gia nhận định từ nay tới năm 2023 thị trường BĐS sẽ tiếp tục khó khăn. Theo ông Trần Khánh Quang – Chuyên gia BĐS, thời gian qua bão tố liên tiếp dồn tới BĐS khiến thị trường bị gãy, dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn từ nay tới cuối năm.
“Hiện nay một số doanh nghiệp sẵn sàng chiết khấu sản phẩm tới 30%, thậm chí 50% để xoay sở. Do đó trong năm nay cái cần mà các doanh nghiệp mong muốn là tồn tại hơn là kiếm tiền”, ông Quang nói.
Ông Quang cho rằng, năm 2023 sau khi vượt qua đỉnh, thị trường sẽ rớt từ từ xuống đáy nhưng đáy lại rất khó xác định. Có một điều chắc chắc là đã có đáy thì sẽ có đỉnh mới. Song đỉnh mới này chắc chắn sẽ không bằng đỉnh cũ và đáy mới chưa chắc đã sâu bằng đáy cũ. Do vậy các nhà đầu tư muốn xuống tiền trong giai đoạn này cần thận trọng, vừa dò đáy và vừa phải trèo đỉnh.
Vị chuyên gia này cho rằng, đầu tư BĐS thì không thể thấy thị trường xuống mà rời bỏ cuộc chơi. Thực tế, BĐS tốt liên tục từ 2014 tới nay, 8 năm liên tục tăng giá khiến nhiều người hiện đang không nỡ bỏ thị trường.
Ông Quang nhận định, thị trường BĐS sẽ tiếp tục xấu cho đến đầu năm 2023. Tết âm lịch năm nay đến sớm, các doanh nghiệp phải thanh toán nợ vay, công nợ, trả lương… nhưng tiền ở đâu ra? Điều này không chỉ gây áp lực cho riêng BĐS mà còn toàn bộ nền kinh tế. Lúc này có thể xảy ra tình trạng chủ doanh nghiệp phải bán bớt BĐS nhằm thanh toán các chi phí.
“Phải đến đầu quý 3/2023 mới có thể xác định được thị trường sẽ đi theo cách từ từ xuống hay từ từ lên”, chuyên gia nói.
Theo ông Quanh, từ đầu năm 2008, BĐS từ đỉnh rớt xuống đáy còn 50% vào năm 2013, sau đó mới lên lại nhưng rất ít. Tuy nhiên giai đoạn 2014 – 2019 là giai đoạn tăng gấp đôi. Do đó nếu ai chấp nhận rủi ro thì cứ nhẹ nhàng xuống tiền kể từ ngày 15/12 (âm lịch). Còn ai muốn chắc chắn thì nên đợi đến đầu quý 2 năm sau sẽ nhìn rõ được bức tranh hơn.
Nói về những khó khăn phải đối mặt, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, năm 2022 thị trường BĐS ghi nhận sốt nhà đất, lệch pha cung cầu, thiếu nguồn cung, cơ cấu nhà ở không hợp lý về phân khúc nhà ở cao cấp và thiếu nhà ở thương mại vừa túi tiền. Đây cũng là một trong những điểm khá tương đồng với giai đoạn khủng hoảng trước. HoREA cho rằng, cần chính sách của Nhà nước để tăng nguồn cung nhà ở thương mại vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Vấn đề hàng tồn kho đến tháng 6/2022 của 45 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận khoảng 273.373 tỷ đồng chiếm quá nửa tài sản doanh nghiệp. Đáng lo ngại nhất là hàng tồn kho thuộc các dự án dở dang bởi vậy cần phải tháo gỡ vướng mắc về pháp lý để tháo gỡ hàng tồn kho.
Theo chuyên gia, năm 2022 vấn đề đáng quan tâm so với năm 2007, 2008 là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến năm 2023 – 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Đây là điểm khác biệt cần xử lý, để làm được điều đó cần thêm cơ chế, chính sách của Nhà nước để tạo điều kiện thị trường BĐS thông suốt.
Chủ tịch HoREA cho rằng, các doanh nghiệp hiện đang đang vướng mắc nhất là vấn đề pháp lý, chiếm tới 70%. Bên cạnh đó vướng mắc lớn thứ hai là các thủ tục hành chính”, ông Châu cho biết.
Đi đôi với việc hoàn thành sửa đổi luật đất đai 2013 và một số luật liên quan trong 2023 gồm luật nhà ở, luật kinh doanh BĐS, luật đấu thầu, giá, luật phòng, chống rửa tiền.
Song, theo lộ trình dự kiến các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, như vậy, còn phải chờ thêm 19 tháng nữa.
Tổng hợp bởi https://centralresidencesgamuda.com.vn/